Cúp Chiến thắng: Bộ tứ Hoàng – Phước – Sơn – Nguyên gây chấn động đường đua xanh với kỷ lục ở SEA Games 31

Huy Hoàng, Hoàng Quý Phước, Kim Sơn và Trần Hưng Nguyên khiến cả làng bơi Đông Nam Á choáng váng. Họ vượt mặt Singapore, đồng thời phá kỷ lục SEA Games 31 ở nội dung 4x200m tiếp sức tự do nam. Đây là nội dung bơi lội Singapore thống trị gần 20 năm qua.

Phá vỡ sự thống trị

Bơi Singapore vốn thống trị đường đua xanh ở SEA Games trong thời gian dài. Nội dung bơi tiếp sức 4x200m tự do nam của họ càng khiến cả Đông Nam Á phải sửng sốt khi giành HCV từ SEA Games 2005 cho đến 2019. Quãng thời gian 8 kỳ SEA Games đủ thấy sức mạnh của đội bơi Singapore. Càng đáng sợ hơn khi 5/8 lần đó, họ phá vỡ kỷ lục SEA Games

Bơi lội Singapore thống trị nội dung 4x200m tự do nam trong gần 20 năm.

Bơi lội Singapore thống trị nội dung 4x200m tự do nam trong gần 20 năm.

Người lĩnh xướng bơi đầu tiên cho Việt Nam là Nguyễn Hữu Kim Sơn. Ở 100m đầu tiên, Nguyễn Hữu Kim Sơn chỉ cán đích thứ 4 với thông số 53.82, kém gần 1 giây so với tay bơi đầu tiên của Malaysia. Tuy nhiên, 100m sau đó, Kim Sơn có sự bứt phá mạnh mẽ để vươn lên vị trí thứ 2 với 1:50.19, kém VĐV dẫn đầu của Singapore chưa đến 1 giây (1:49.57).

Sau Kim Sơn, đến lượt Huy Hoàng “xuống nước”. Kình ngư của Việt Nam ở thế bám đuổi trong 100m đầu tiên của lượt bơi thứ 2. Nhưng ở 100m cuối, Huy Hoàng có pha bứt tốc kinh hoàng. Từ vị trí thứ 4, Huy Hoàng vươn lên dẫn đầu, hoàn thành đợt thi với thông số 3:38.61, bỏ xa đội bơi Singapore đến hơn 1 giây (3:39.63).

Cú bứt tốc kinh hoàng của Huy Hoàng khiến các đối thủ bị bỏ lại phía sau. Ảnh: Tuấn Tú

Cú bứt tốc kinh hoàng của Huy Hoàng khiến các đối thủ bị bỏ lại phía sau. Ảnh: Tuấn Tú

Màn bứt tốc kinh hoàng này là bước ngoặt để người bơi ở lượt thứ 3 là Hoàng Quý Phước gia tăng khoảng cách. Đối thủ chính của kình ngư quê Đà Nẵng là Joseph Schooling. Càng bơi, Hoàng Quý Phước càng bỏ xa các đối thủ để cán đích đầu tiên ở lượt bơi thứ 3 với thông số 5:27.27. Lúc này, Singapore bị Malaysia vượt mặt song kình ngư của Malaysia kém Quý Phước đến gần 3 giây (5:30.93).

Trần Hưng Nguyên nhận trọng trách bơi cuối cùng. Và với khoảng cách quá xa so với các đối thủ, khi Hưng Nguyên băng băng trên đường đua xanh, trên thành bể bơi, Huy Hoàng, Hoàng Quý Phước và Nguyễn Hữu Kim Sơn đã ăn mừng.

Không phụ lòng mong đợi, Hưng Nguyên cán đích đầu tiên với thông số 7:16.31, hơn đội xếp thứ hai là Malaysia đến 3.44 giây và hơn Singapore đến 5.18 giây. Một con số khiến tất cả phải choáng váng. Đồng thời, đây là thành tích giúp đội bơi Việt Nam phá kỷ lục SEA Games của chính Singapore ở nội dung 4x200m tự do tiếp sức nam. Trước đó, đội bơi Singapore lập kỷ lục ở SEA Games 30 với thông số 7:17.88.

Tấm HCV theo đúng chuẩn chuyên môn đầu tiên của bơi lội Việt Nam ở một nội dung tiếp sức. Nó khiến cả Đông Nam Á dậy sóng và khi bước lên bục nhận huy chương, các kình ngư Singapore, Malaysia bày tỏ sự thán phục đối với bộ tứ Hoàng – Phước – Sơn – Nguyên.

Niềm vui của các chàng trai khi Hưng Nguyên đang bơi những mét cuối. Ảnh: Tuấn Tú

Niềm vui của các chàng trai khi Hưng Nguyên đang bơi những mét cuối. Ảnh: Tuấn Tú

Đằng sau kỷ lục chấn động đường đua xanh

So với đội bơi cách đây 3 năm ở Philippines, Singapore không có nhiều thay đổi. Darren Chua không góp mặt, thay bằng Glen Lim Jun Wei. Họ vẫn còn đó ba ngôi sao Joseph Schooling, Jonathan Tan và Quah Zheng Wen.

Tuy nhiên, đội bơi Singapore bị yếu đi rất nhiều. HLV trưởng đội bơi Singapore, Gary Tan cho biết: “Chúng tôi có ba trong số bốn chàng trai này đã và đang thực hiện nghĩa vụ quốc gia.

Tôi coi đây là một phần phản ánh tốt thực trạng hiện tại bởi vì nhìn vào góc độ khác, họ sẽ biết mình thiếu gì để cải thiện. Thật là thất bại khó nuốt trôi nhưng chúng tôi chấp nhận rằng, Việt Nam và Malaysia đã xuất sắc hơn”.

Joseph Schooling chúc mừng bốn chàng trai vàng của bơi lội Việt Nam: Ảnh: Tuấn Tú

Joseph Schooling chúc mừng bốn chàng trai vàng của bơi lội Việt Nam: Ảnh: Tuấn Tú

Theo đó, Joseph Schooling và Quah Zheng Wen, những ngôi sao hàng đầu của bơi lội Singapore vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Họ có quá ít thời gian để tập luyện. Trong khi đó, Glen Lim Jun Wei còn trẻ. Kình ngư 20 tuổi chưa có nhiều dấu ấn ở đấu trường quốc tế.

Sự vắng mặt đáng tiếc nhất đến từ Darren Chua. Kình ngư sinh năm 2000 là ngôi sao hàng đầu của bơi tự do Singapore. Anh từng giành HCV ở nội dung 100m và 200m tự do ở SEA Games 31. Những lý do khách quan đó khiến đội bơi Singapore bị yếu đi so với các kỳ SEA Games trước.

Tuy vậy, không thể phủ nhận sự xuất sắc của các kình ngư Việt Nam. BHL đội bơi Việt Nam đã tính toán, các kình ngư chủ nhà sẽ giành tấm HCV ở nội dung này vì lực lượng đồng đều cùng các thông số tốt hơn đối thủ. Song, việc phá kỷ lục SEA Games là điều quá đỗi bất ngờ.

Các đối thủ nể phục với đội bơi tiếp sức 4x200m tự do của Việt Nam. Ảnh: Tuấn Tú

Các đối thủ nể phục với đội bơi tiếp sức 4x200m tự do của Việt Nam. Ảnh: Tuấn Tú

Ngoài ra, việc tính toán nhân sự, chuyên môn cũng rất quan trọng. Nguyễn Hữu Kim Sơn là người “yếu nhất” trong số 4 kình ngư. Anh không được đánh giá cao ở các nội dung cá nhân nhưng khi thi đấu tiếp sức, sự sung sức, hưng phấn của Kim Sơn là điểm nổi bật.

Trong khi đó, Huy Hoàng, Hoàng Quý Phước và Trần Hưng Nguyên đều là những tay bơi hàng đầu của bơi lội Việt Nam ở thời điểm này. Đặc biệt, Hưng Nguyên đang ở độ sung mãn nhất. Sự sắp xếp hợp lý trong các lượt bơi giúp đội tiếp sức nam 4x200m chấn động đường đua xanh.

Sau đỉnh vinh quang, các kình ngư Việt Nam có gần 1 năm tập luyện để duy trì vị thế số 1. Họ sẽ vấp phải vật cản lớn mang tên Singapore khi HLV Gary tuyên bố, đội bơi Singapore sẽ giành lại HCV ở SEA Games vào năm tới tại Campuchia.

Đội bơi 4x200m tiếp sức tự do nam được đề cử cho hạng mục Đồng đội của năm giải thưởng Cúp Chiến Thắng 2022. Cổng bình chọn sẽ đóng lại vào lúc 24h00 ngày 31/12/2022. Gala trao giải Cúp Chiến Thắng sẽ diễn ra vào trung tuần tháng Giêng năm 2023.

Để bầu chọn cho đội bơi 4x200m tiếp sức tự do nam, hãy truy cập vào http://binhchon.cupchienthang.vn/.