Cúp Chiến thắng 2015: Đội bơi chiếm thế áp đảo hạng mục “Đội tuyển của năm”

Điền kinh với 11 HCV, phá 3 kỷ lục và Bơi với 10 HCV kèm số kỷ lục lên tới 10 tại SEA Games 28 nổi lên là 2 ứng viên nặng ký nhất cho danh hiệu “Đội tuyển của năm”. Trong đó, đội bơi chiếm ưu thế nhờ có hơn 7 kỷ lục, cùng sức ảnh hưởng của cá nhân Ánh Viên.

Bơi: “Cơn địa chấn” với 10 HCV & 10 kỷ lục  

Chắc chắn không ai có thể hình dung nổi về một cuộc bùng nổ ngoạn mục đến mức “địa chấn” toàn diện trên đường đua xanh mà các kình ngư, đặc biệt là Ánh Viên đã tạo ra tại SEA Games 28. Nó khởi đầu như mơ khi Việt Nam đoạt liền 3 HCV, phá 3 kỷ lục ở 3 nội dung đầu tiên ở ngày thi đấu đầu tiên. Suốt những ngày thi đấu còn lại, Bơi – mà cụ thể là Ánh Viên – trở thành tâm điểm của cả Đại hội. Siêu kình ngư này đã không phụ sự kỳ vọng khi đoạt thêm 7 HCV kèm theo 7 kỷ lục Đại hội. Cuộc chinh phục thần kỳ của môn này đã khép lại trọn vẹn với 1 HCV cùng 1 kỷ lục từ màn trình diễn đẳng cấp của Lâm Quang Nhật ở nội dung 1.500m nam.

Giành 10 HCV và phá 10 kỷ lục, Việt Nam đã vẽ lại bản đồ làng đua xanh Đông Nam Á theo cách không thể thuyết phục và ấn tượng hơn, nhất là chỉ với đội hình tinh gọn gồm 8 kình ngư trẻ.

Điền kinh: Nhảy vọt về chất

SEA Games 2015 chính là một cột mốc đánh dấu sự “vượt ngưỡng” mới của điền kinh Việt Nam, không chỉ bởi con số 11 HCV trải khắp các nội dung, mà còn ở bước nhảy vọt về chất. ĐTVN đã lần đầu giành được 2 chuẩn Olympic ngay tại đấu trường khu vực (Nguyễn Thị Huyền: 400m và 400m rào); phá được 3 kỷ lục đều tồn tại sừng sững 2 thập kỷ (5.000m nam, 400m rào nữ, tiếp sức 4x400m nữ); có hàng chục thông số vượt qua mức huy chương ASIAD, kể cả HCV. Tài năng trẻ Lê Trọng Hinh cũng đoạt tấm HCV lịch sử trên đường chạy ngắn nam, ở cự ly 200m.

Điền kinh Việt Nam đã bắt đầu khiến người Thái phải nể sợ. Tuy còn kém đối thủ 6 HCV (11 so với 17) song Việt Nam lại hơn về số HCB (15 so với 12).

Thể dục dụng cụ: “Độc bá”

Từ lâu, thể dục dụng cụ Việt Nam đã đạt tới đẳng cấp vượt xa tầm SEA Games mà chiến tích 9 HCV trên tổng số 16 nội dung trên đất Singapore thực ra vẫn là một kết quả còn… khiêm tốn. Đơn cử một Hà Thanh dù thi đấu ở phong độ thấp nhất của mình do chấn thương dai dẳng vẫn đủ sức đoạt 3 HCV. Và quan trọng hơn cả bộ sưu tập 9 tấm HCV là sự tiếp tục vun đắp và nâng tầm một lứa VĐV trẻ tài năng như Hoàng Cường, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Thị Vân Anh và đặc biệt là Đinh Phương Thành. Chàng trai 19 tuổi người Hà Nội đã 4 lần bước lên bục cao nhất, trong đó có ngôi đầu sáng giá nội dung toàn năng nam.

Đấu kiếm: Lên “đỉnh”

Đây là ĐTQG đã “mở hàng” cho đoàn TTVN ở SEA Games 28 với một cú đúp HCV của 2 kiếm thủ trẻ xuất sắc Nguyễn Tiến Nhật và Vũ Thành An. Đấu kiếm Việt Nam đã làm nghiêng ngả thảm đấu trên đất Singapore khi có tới 8 lần “chém ra Vàng”, cho dù trước đó chỉ đặt mục tiêu 5 HCV. Điều đáng nói, ngoài đội hình nữ vẫn giữ vững vị thế hàng đầu với cựu binh Nguyễn Thị Lệ Dung làm trụ cột, đội nam đã trở thành một thế mạnh mới, có thể vươn ra tầm khu vực. Thậm chí, 2 kiếm thủ 9X Tiến Nhật và Thành An đã áp sát nhóm đấu thủ hàng đầu châu Á ở nội dung sở trường của mình. Đấu kiếm Việt Nam đang sở hữu một đội hình mạnh cả nam và nữ, cả cá nhân lẫn đồng đội.

B.Bình Dương: “Gỡ điểm” cho bóng đá

Bảo vệ thành công chức VĐQG và đoạt Cúp QG, CLB Becamex Bình Dương đã khẳng định sự vô đối trong làng bóng đá Việt. Đội bóng đất Thủ đã phần nào “gỡ điểm” cho môn bóng đá, trong bối cảnh ĐTQG thi đấu bết bát tại VL World Cup 2018 và ĐT U.23 bị loại ở bán kết SEA Games 28. Có thể không có nhiều hy vọng trước các ĐTQG Bơi, Điền kinh, Thể dục dụng cụ hay Đấu kiếm đầy ắp thành quả và hàng loạt gương mặt ấn tượng song chí ít sự xuất hiện của B.Bình Dương tại Cúp Chiến thắng cũng là sự khích lệ lớn cho chính đội bóng này, cũng như những người làm bóng đá.

Tính cả số HCB và HCĐ, tổng thành tích của bơi Việt Nam tại SEA Games 28 là 16 huy chương các loại (10 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ) cùng 10 kỷ lục. Với một ĐTQG tinh gọn chỉ 8 kình ngư, trung bình mỗi thành viên sẽ được “đeo” 2 huy chương mà người nào cũng có HCV. Đây là một hiệu suất “khủng” chưa từng có trong cả 28 kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á. Tuy kém 1 HCV so với Điền kinh nhưng Bơi lại hơn tới 7 kỷ lục.

Hà Thảo

(Nguồn: thethao24.tv)