Cúp Chiến thắng 2015: Ẩn số Công Phượng
Sự xuất hiện của Công Phượng khiến hạng mục “VĐV trẻ của năm” có sức hút và sự khó lường đặc biệt, cho dù về thành tích chuyên môn cầu thủ của HA.GL có thể thua xa những Trọng Hinh (điền kinh), Phương Trâm (bơi) hay Cẩm Hiền (cờ vua).
“Vua tốc độ” Đông Nam Á Lê Trọng Hinh
Chàng trai xứ Thanh đã tạo ra cuộc đột phá ngoạn mục trên đường chạy SEA Games 28 khi đoạt tấm HCV nội dung 200m với một cú nước rút thần tốc cùng một thông số ngang ngửa kỷ lục Đại hội thể thao Đông Nam Á. Trọng Hinh trở thành tuyển thủ điền kinh Việt đầu tiên bước lên ngôi cao nhất ở một cự ly ngắn, một chiến tích lịch sử, nhất là trước đó chưa từng có ai chạm nổi một tấm HCB chứ chưa nói đến HCV.
Đáng ra, Hinh còn đoạt nốt tấm HCV 100m nếu không có hàng “khủng” người Mỹ nhập tịch Philippines Eric Cray. Tuy nhiên, tài năng 19 tuổi này cũng đã xứng danh “Vua tốc độ” Đông Nam Á, với khả năng có thể sớm vượt qua đỉnh cao khu vực để đạt tới đẳng cấp châu lục.
Nhà VĐTG cờ vua trẻ Cẩm Hiền
Sau Ánh Viên tại SEA Games 28, Lý Hoàng Nam với chức vô địch Wimbledon trẻ, kỳ thủ nhí Nguyễn Lê Cẩm Hiền đã thực sự làm nức lòng giới chuyên môn cùng người yêu thể thao cả nước. Ngay trong lần đầu dự tranh giải VĐTG, cô bé 8 tuổi đất Quảng Ninh đã vượt qua hàng loạt ứng viên sừng sỏ để đăng quang bằng một lối chơi biến ảo, phong cách chững chạc đáng kinh ngạc.
Phía sau thành quả của cô con gái của Đại KTQT Nguyễn Anh Dũng và KTQT Lê Phương Liên là cả một mẫu hình của tố chất, sự đam mê cùng một quy trình đào tạo gắn với một “lò” đào tạo tại gia độc nhất vô nhị. Nhà VĐTG trẻ thứ 7 của cờ vua Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một Hoàng Thanh Trang mới.
“Ánh Viên 2.0” Phương Trâm
Là tuyển thủ Việt trẻ nhất dự tranh SEA Games 28 khi chưa đầy 14 tuổi, Nguyễn Diệp Phương Trâm đang nổi lên như một “truyền nhân” đích thực của siêu kình ngư Ánh Viên. Thậm chí, tại giải VĐQG mới đây, thiếu nữ đất Sài thành còn đánh bại chính Ánh Viên ở 2 đường bơi 50m tự do và 50m bướm, đều với thông số phá kỷ lục quốc gia.
Dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vụ lùm xùm đi/ở bế tắc đến tận bây giờ, Phương Trâm vẫn tiến bộ không ngừng. Trâm đoạt tới 9 HCV tại giải Trẻ Đông Nam Á, và đáng nể hơn giành 1 HCV ở giải Trẻ châu Á.
Đô cử châu Á “vô danh” Tuyết Mai
Do đặc thù các VĐV cử tạ vốn phải chịu nhiều thiệt thòi, song với Nguyễn Thị Tuyết Mai còn là cả một sự bất công lớn. Năm 2013, đô cử sinh năm 1996 này đã từng đoạt HCV giải trẻ châu Á, cùng HCĐ SEA Games 27 hạng 63kg. Đến năm 2015, Mai tiếp tục có bước thăng tiến vượt bậc với 1 tấm HCB giải vô địch châu Á. Thế nhưng, ngoài dân chuyên môn, gần như không mấy ai biết đến thành quả xuất sắc của lực sĩ người Hà Nội. Chị chỉ bắt đầu nổi lên khi được đưa vào danh sách đề cử của Cúp Chiến thắng.
Đình Vương với 4 lần đăng quang trên đất Đức
Với quan điểm khuyến khích tối đa mọi tài năng trẻ, nhất là ở các môn Olympic, BTC Cúp Chiến thắng đã quyết định chọn một gương mặt thậm chí còn vô danh hơn Tuyết Mai: VĐV thể dục dụng cụ Trần Đình Vương (TP.HCM, sinh năm 1998). Tuy không có dấu ấn gì ở các sân chơi trong nước song Vương đã gây tiếng vang lớn ở giải quốc tế trên đất Đức khi đoạt tới 4 HCV (toàn năng nam cùng 3 đơn môn). Tuyển thủ từng dự tranh Olympic Trẻ 2014 này được đánh giá sẽ có thể đạt tới trình độ của các ngôi sao đàn anh Phước Hưng hay Phương Thành trong vài năm tới.
Công Phượng: Không tính… thành tích
Xét thành tích thuần túy, Nguyễn Công Phượng khiêm tốn nhất trong 6 ứng viên vì chỉ có 1 tấm HCĐ SEA Games 28 cùng U.23 VN. Thế nhưng, trường hợp của Công Phượng có lẽ không tính bằng… thành tích bởi giá trị, sức lan tỏa đặc biệt từ một làn gió mới, sức bật mới của BĐVN đến từ một lứa cầu thủ trẻ tài năng, khác biệt mà cầu thủ của HA.GL này làm “đầu tàu”. Công Phượng được coi như một ấn số thú vị của Cúp Chiến thắng 2015 nhờ sức lan tỏa lớn của mình.
HÀ THẢO
(Nguồn: thethao24.tv)